Vụ học sinh tử vong vì bị bỏ quên trên xe tại Hà Nội khiến nhiều người không khỏi xót xa. Trao đổi với Lao Động, Chủ tịch Hội đồng quản trị các hệ thống trường Quốc tế tại TPHCM đều cho hay cần có nhiều quy định nhằm kiểm soát việc đưa đón bằng xe riêng.
Ông Nguyễn Đức Quốc - Chủ tịch Tập đoàn giáo dục Nam Việt (TPHCM) cho biết vụ việc cháu bé không may qua đời ở Hà Nội hiện chưa kết luận được nguyên nhân nên chưa thể đánh giá điều gì, nhưng với những người làm giáo dục, đây là sự việc hết sức đau lòng, thậm chí khó tin.
“Điều này giúp những người quản lý như chúng tôi nhìn nhận lại việc giám sát, quản lý học sinh qua các khâu, để tránh xảy ra sự việc tương tự” - ông Quốc cho biết.
Trao đổi về việc đưa rước học sinh tại trường, ông Đức Quốc thông tin, hiện các trường thành viên có 4.000 học sinh các cấp và hơn 40 xe đưa đón học sinh. Các trường tự tuyển dụng, đào tạo và trả lương cho đội ngũ lái xe, bảo mẫu theo xe.
“Quy trình đưa rước học sinh của trường chúng tôi như sau, khi học sinh lên xe có bảo mẫu điểm danh, kiểm đếm, xuống xe sẽ được đếm một lần nữa. Học sinh trước khi vào lớp sẽ được điểm danh lần 2 bằng cách quét vân tay. 10 phút sau đó, tài xế, bảo mẫu và nhân viên hệ thống công nghệ tại trường sẽ làm biên bản bàn giao học sinh, cháu nào vắng sẽ trực tiếp báo về phụ huynh.
Các cháu nhỏ thường hay ngủ quên hoặc đùa giỡn, trốn ở góc xe. Do đó chúng tôi quán triệt tài xế phải luôn kiểm tra xe lần cuối cùng trước khi rời khỏi xe. Vì thế, việc để quên học sinh trên xe là không thể nào xảy ra” – ông Quốc nói.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống trường Quốc tế Canada (TPHCM) cũng trao đổi, trước đây, trường hợp đồng dịch vụ đưa rước học sinh với đơn vị bên ngoài. Nhưng một thời gian, trường nhận thấy không kiểm soát được công việc này nên trường tự mua xe, thuê và quản lý đội lái xe, nhân viên, bảo mẫu theo xe.
Theo đó, hiện các trường thành viên hiện có khoảng 34 xe đủ loại, từ 9 đến 29 chỗ ngồi đưa rước học sinh với quy định nghiêm ngặt. Đầu năm học mới, trường sẽ lắp đặt hộp đen theo dõi hành trình, lắp thêm camera trên xe, đồng thời phụ huynh sẽ có phần mềm để theo dõi việc đi lại của con.
Theo bà Oanh, những biện pháp kỹ thuật này nhằm hỗ trợ, tăng cường an toàn cho học sinh nhưng quan trọng hơn vẫn là trách nhiệm của nhân viên và những thao tác, kỹ năng cần thiết.
Đồng thời, bà Oanh đề xuất tổ chức một hệ thống xe buýt đưa rước học sinh như các nước phát triển với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt cho các trường có nhu cầu.
“Hiện nhiều trường đang tự tổ chức xe đưa rước học sinh hoặc hợp đồng bên ngoài, rất manh mún và không đảm bảo an toàn. Tôi nghĩ nên tổ chức một hệ thống xe buýt đưa rước học sinh. Việc này nhà nước có thể làm hoặc xã hội hoá và nhà nước chịu trách nhiệm quản lý”, bà Oanh nói.
ANH NHÀN
Nguồn: https://laodong.vn/giao-duc/viec-dua-don-hoc-sinh-bang-xe-rieng-phai-co-quy-dinh-ro-rang-748523.ldo